Hôi Thảo về
Phát Triển Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương

Tranh Chấp Biển Đông

Ngày 15 và 16 tháng 8 năm 1998
New York City
 
_______________________________________________________________________________
 

TRUNG QUỐC: MỘT DẤU HỎI

Cao Huy Thuần

Tôi đặt trọng tâm của bài nói này trên một khái niệm đơn giản : Trung Quốc là một cường quốc đang lên, a rising power.

      Là một cường quốc: chuyện này hiển nhiên, khỏi cần bàn. "Đang lên" mới là chuyện đáng nói. Thế nào là đang?  Nó đang là cái gì đây? Và nó lên đến đâu rồi ? Nó sẽ còn lên đến đâu nữa? Nó lên như thế thì nó sẽ làm gì? Nó làm như thế thì mình liệu phải đối phó với nó như thế nào đây?

      Tây phương - và nhất là Âu châu - đã từng có kinh nghiệm với một cường quốc đang lên rồi: nước Đức trước thỏa hiệp Munich. Cho nên một sức mạnh đang lên là chuyện đáng gờm. Nó đặt ra một mớ dấu hỏi, dấu hỏi nào cũng to tướng, và nó gợi lên cả chùm lo ngại, có khi có bằng cớ, có khi không. Đó là điểm thứ nhất.

      Dấu hỏi về Trung Quốc to hơn dấu hỏi trước đây về nước Đức. Vì lẽ Trung Quốc là một cường quốc đang lên trong khi trật tự thế giới đang biến chuyển. Cái này đang, mà cái kia cũng đang. Do đó, cái đang này muốn lèo lái cái đang kia, hai cái đang ảnh hưởng lên nhau và tất nhiên ảnh hưởng lên trật tự đang thành hình. Đó là điểm thứ hai.

      Trước trật tự đang thành hình, và trước đe dọa của một sức mạnh đang lên, đâu là chỗ "vạn đại dung thân" của Á châu và của Việt Nam? Chẳng ai chắc chắn một cái gì cả. Về trật tự cũng như về an ninh. Nhưng chính vì chẳng có nguồn an ninh nào là vững chắc trong hiện tại, chúng ta mới có thể lạm bàn về những yếu tố khác của an ninh ngoài quân sự. Đó là điểm thứ ba và kết luận.

 

I. Trung Quốc là một cường quốc đang lên

      "Đang lên" ở đây là gì? Trước tiên là đang thành công. Sức mạnh thể hiện ra nơi cái đà. Cái đà đó làm người ta sợ. Sợ ! Đó là cái cảm giác mà Trung Quốc gợi lên. Sức mạnh đang lên là sức mạnh "cảm thấy" nhiều hơn là sức mạnh thực. Chính sự "cảm thấy" đó là đầu mối của mọi chính sách tăng cường an ninh nơi những nước liên hệ.

      Thành công của Trung Quốc, trước hết là về kinh tế. Trung Quốc được đánh giá như thế này bỡi một tác giả Á châu có thẩm quyền: "Early in the next century it will also emerge as the largest economy if present growth trends around the global continue" [1]. Kinh tế lớn nhất thế giới khoảng đầu thế kỷ ! Tác giả đó căn cứ trên nhận định của các chuyên viên Ngân Hàng Thế Giới: "The World Bank expects China to overtake the US as the world largest economy in PPP terms before the year 2020" [2].

      Vượt Mỹ ! Hình như ai cũng tin như thế. Tôi trích một tác giả Á châu có thẩm quyền khác: "In the first half of the 21st century, China's economy will almost certainly grow larger than that of the US. When that happens, the world's established power structure will have to adjust to China's arrival; Washington may no longer be the modern Rome" [3]. Tương lai như thế thì khiếp thật !

      Sự thực sẽ như thế chăng ?  Đó là chuyện khác. Đánh giá một sức mạnh "đang lên" là đánh giá bằng dự phóng. Và nếu cai trị là tiên liệu thì nước nào cũng phải nhìn Trung Quốc ở mười năm, hai mươi năm, xa hơn nữa, theo cái đà đó. Và nếu cái đà đó làm cho sợ, chúng ta có nên lo ngại chăng cái nguy cơ appeasement [4] có thể lảng vảng trong đầu nước này nước nọ?

      Tất nhiên cũng phải vừa thấy cái đà, vừa thấy những cản trở mà cái đà đó đang vấp hoặc có thể vấp. Về cái đà, tôi trích thêm một chuyên gia Pháp, ông Jean-Luc Domenach. Ông này gọi chiến thắng của Trung Quốc là "đại thắng kinh tế" (triomphe économique) và trích Bộ Ngoại Giao Úc: "Cứ như cái đà này thì kinh tế Trung Quốc sẽ vượt kinh tế Mỹ vào năm 2020". Thế nhưng ông nói thêm: những mối quan ngại không phải là hiếm. Ông kể: hiện trạng nghẽn cổ chai, hạ tầng cơ sở lạc hậu, năng lượng khan hiếm, môi trường sinh thái bị tiêu hủy, điều kiện để tối tân hoá kỹ thuật chưa hội đủ, chưa kể hai gánh nặng đè mãi trên vai: xí nghiệp quốc doanh, và địa phương chủ nghĩa. Đâu là then chốt của chủ nghĩa địa phương ? Đó là sự suy thoái của uy quyền Nhà nước trung ương. Tại sao suy thoái ? Tôi trích nguyên văn: "Hễ Đảng càng nhiều thì Nhà nước càng ít: đó là một trong những vấn đề mấu chốt của phát triển kinh tế cũng như phát triển xã hội ở Trung Quốc" [5]. Tóm lại, theo ông Domenach, đại thắng kinh tế của Trung Quốc là một "đại thắng có điều kiện". Và điều kiện căn bản là chính trị.

      Đây là chuyện cãi cọ gay go nhất với Tây phương. Cho nên tôi bắt qua lĩnh vực chính trị ngay, trước khi nói về quân sự.

      Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh có cơ sở để cười vào mũi Tây phương: hồi 1989, trong vụ Thiên An Môn, bao nhiêu người tưởng Trung Quốc sẽ sụp như Liên Xô vừa sụp, như Đông Âu vừa sụp. Rốt cục, Đặng Tiểu Bình không té xuống ngựa mà còn phi nước đại. Sau đó, bao nhiêu người làm thầy rùa: Đặng Tiểu Bình khuất núi, Trung Quốc sẽ có loạn thừa kế. Rốt cục, Giang Trạch Dân vững như bàn thạch. Theo Trung Quốc, rõ ràng như một định luật: muốn phát triển kinh tế, phải ổn định chính trị. Trung Quốc sẽ xông lên địa vị cường quốc chừng nào còn nắm vững định luật đó. Vả chăng, tự nghìn xưa, trong định nghĩa của Trung Quốc về mình, Trung Quốc trên hết là một văn minh. Mà chính trị là tinh hoa của văn minh. Trong mắt Bắc Kinh, Trung Quốc đang là cái mà nó đã là: một hành tinh chính trị. Chức năng của nó là tái lập trật tự tự nhiên chung quanh nó, không chịu ảnh hưởng bên ngoài, một trật tự Á châu. Đáng sợ là ai cũng nói thế, cũng nghĩ thế [6]. Trung Quốc có thể nhượng bộ Tây phương trên các lĩnh vực khác, nhưng trên lĩnh vực chính trị này, đừng hòng. Điều này cắt nghĩa tại sao luận thuyết của Huntington về tranh chấp văn minh hợp lòng người đến thế tại Trung Quốc.

      Vậy thì, dưới mắt Bắc Kinh, Trung Quốc đang là một mẫu mực chính trị. Mẫu mực đó chiếu ra ánh sáng gì ? Mác xít ? Xã hội chủ nghĩa ? Xã hội chủ nghĩa cọng với thị trường ? "Giá trị Á châu" ? Chính thể cứng rắn ? Hay gọn lỏn là dân tộc chủ nghĩa ? Đó là điều thứ hai làm người ta sợ: chủ nghĩa dân tộc đang nở rộ trên Trung Quốc. Nở rộ trên thành công kinh tế. "Trung Quốc phải mong muốn chiếm chỗ ngồi của cường quốc thế giới chứ có đâu tự bằng lòng bắt chước xã hội Tây phương một cách thảm hại như Nhật Bản trước đây" ! Đó là câu nói trích trong "China can say no", một best-seller hiện nay ở Trung Quốc [7].

      Đây là thách thức lớn nhất giữa Trung Quốc và Tây phương, nghĩa là Mỹ. Dưới mắt Tây phương, thành công kinh tế sẽ làm biến đổi chính thể Trung Quốc, và chính lúc đó Trung Quốc mới trở thành cường quốc thế giới. Cựu thủ tướng Nhật Nakasone nói rõ điều đó: "Phải đưa Trung Quốc vào G8, và như thế G8 sẽ thành G9. Tuy nhiên vấn đề khó là dân chủ nhân dân, tàn dư của Trung Quốc chuyên chế. Trung Quốc đã chấp nhận kinh tế thị trường, nhưng việc duy trì một chính thể mác xít chuyên chế là một điều quan ngại. Nga đã từ bỏ chủ nghĩa mác xít vào cuối thời Liên Xô để du nhập dân chủ Tây phương, và bây giờ Nga đã là thành viên của G8. Dân tộc Trung Quốc là một dân tộc thực tế ; chủ nghĩa mác xít Trung Quốc có thể cũng sẽ biến chuyển trong tương lai, và trong trường hợp đó G9 chắc chắn sẽ trở thành hiện thực" [8].

      Tây phương cũng không nghĩ rằng văn hóa hiện tại của Trung Quốc có ánh sáng của một hành tinh. Một mô hình rút sức mạnh từ chủ nghĩa dân tộc không phải là một mô hình chính trị-văn hóa của nhân loại ; một mô hình xây trên một chính thể cứng rắn chỉ gợi thêm khao khát cho giấc mơ dân chủ ; một mô hình thiếu nhân bản không phải là một văn minh. Domenach nghiêm khắc hơn: “Trung Quốc nói là bảo vệ văn hóa, kỳ thực là bảo vệ vô văn hóa; nói là bảo tồn quá khứ, kỳ thực là tiêu diệt quá khứ; nói là tổ chức lại trật tự, kỳ thực là thống trị” [9].

      Cuối cùng, một phần lớn dư luận Tây phương vẫn không tin là chính thể Trung Quốc sẽ bền vững. Đó là điểm yếu, không phải là điểm mạnh của Bắc Kinh. Tôi trích một ý kiến tiêu biểu cho dư luận đó: "Today, China's communist regime faces crisis in nearly every dimension, from economic policy to ecology to basic political legitimacy. Things cannot go on as they have. No one can say exactly when it will come, but some sort of a political earthquake is inevitable in China, and Washington must bear this fact in mind" [10]. Bất cứ quan sát viên nào cũng có thể dẫn ra một loạt hiện tượng tiêu cực khiến tình trạng xã hội chính trị của Trung Quốc không thiếu vắng bấp bênh: giá trị đạo đức đảo lộn, tiền bạc là chúa, xã hội bất công, chênh lệch, tham nhũng lộng hành, địa phương cát cứ...Không ai mong muốn Trung Quốc thất bại, bởi vì một Trung Quốc hỗn loạn là một ác mộng cho cả vùng. Nhưng cũng không mấy ai tin Trung Quốc thành công nếu không cải thiện mô hình. Có điều chắn chắn là thế này: Trung Quốc quá lớn và quá quan trọng cho nên những vấn đề nội bộ của Trung Quốc biến thành những vấn đề thế giới. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ xác nhận vị thế cường quốc của Trung Quốc về mặt chính trị, văn hóa.

      Bây giờ về quân sự. Ai cũng biết chương trình tối tân hóa tiềm năng quân sự của Trung Quốc, nhất là về hải quân ; ai cũng biết Trung Quốc là cường quốc nguyên tử. Trung Quốc còn là nước bán vũ khí, lại là những thứ vũ khí càng ngày càng tối tân: Mỹ ngờ Trung Quốc bán vũ khí liên lục địa ICBM cho Arabie saoudite, hỏa tiễn M9 và M11 cho Syrie và Pakistan, cả đến vũ khí hạt nhân 25 ki lô tôn cho Pakistan. Hỏa tiễn, dàn phóng hỏa tiễn, động cơ hạt nhân, vũ khí hóa học: vừa bán, vừa chế tạo, vừa nâng cao chất lượng. Đây là quan ngại lớn đối với Mỹ.

      Một quan ngại khác là ngân sách quốc phòng. Về điểm này, chẳng ai đồng ý với ai về con số chính xác. 20 đến 30 tỷ Mỹ kim theo Domenach, nghĩa là không thấp hơn bao nhiêu so với chi phí quốc phòng của nước Anh. Chỉ chắc chắn một điều là các con số chính thức cứ tăng đều. Theo báo cáo của bộ trưởng tài chánh Liu Zhongli thì con số 52,04 tỷ yuan được dự trù cho năm 1994. Nghĩa là tăng thêm 22,4% so với con số 42,5 tỷ dự trù cho năm 1993. Ngân sách năm 1993 đã tăng 14,8% so với 1992. Cứ tăng đều như thế thì nguy quá ! [11]. Thật ra, rất khó tính ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh, một phần vì các con số toàn là bí mật, một phần vì quân đội còn là nhà kinh doanh khổng lồ.

      Người nào ngán Trung Quốc thì căn cứ trên khuynh hướng gia tăng ngân sách quốc phòng để ngán. Người nào bênh Trung Quốc thì cãi: nó có gia tăng, nhưng nó không gia tăng bằng các nước khác ; nó đứng hàng thứ tư sau Nhật, Bắc Hàn, Đài Loan [12]. Tôi không dám đi sâu vào những tranh luận đánh giá tương quan lực lượng hải, lục, không quân giữa Mỹ-Nhật-Trung Quốc-Đài Loan. Cũng không dám có ý kiến gì về những tính toán lợi hại, được thua, trong hai giả thuyết: hoặc Trung Quốc đổ bộ lên Đài Loan, hoặc Trung Quốc vây đảo đó. Chỉ trích dẫn ở đây một lo ngại chí lý: "Chừng nào chính sách của Trung Quốc chưa trong suốt, cứ bí hiểm, chừng nào hành động của Trung Quốc cứ đi ngược lại lời nói, chừng đó Trung Quốc vẫn bị xem là đe dọa" [13].

      Để có một ý niệm về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, tôi nhấn mạnh trên những điểm sau đây, rút từ kết luận của các tác giả chủ trương hòa hoãn với Trung Quốc, các bồ câu, không phải các diều hâu.

      So với thời Mao, sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cũng như sức mạnh kinh tế, đã biến đổi một cách "dramatically" [14]. Mặc dầu chương trình tối tân hóa quân sự của Trung Quốc chưa đạt đến mức cho phép Bắc Kinh nghĩ là có thể đánh bại lực lượng Nhật và Mỹ được trang bị tối tân hơn, chương trình đó đã mang đến cho Trung Quốc một sức mạnh có thể làm cho hai nước kia hiểu rằng nếu họ can thiệp vào những tranh chấp trong vùng thì đó là điều rất nguy hiểm cho họ. Phương tiện quân sự tối tân của Trung Quốc chưa đủ sức để biến Đông Á thành cái hồ bơi Trung Quốc, nhưng ngay cả Mỹ cũng không còn nghĩ rằng với tốn kém tối thiểu, mình có thể chế ngự trong một cuộc đụng độ quân sự cổ điển và hạn chế. Còn nếu kể vũ khí nguyên tử nữa, Trung Quốc có đủ sức ngăn ngừa một can thiệp vũ bão, quyết định từ bên ngoài, và buộc kẻ đối phương mạnh nhất thế giới phải rợn tóc gáy trước viễn ảnh bắt buộc phải cậy đến vũ khí nguyên tử.

      Nói một cách khác, tất cả mọi người, dù ở phe đối nghịch với Trung Quốc hay ở phe hòa hoãn, đều nghĩ rằng Trung Quốc càng ngày càng có đủ sức để phá đám trật tự an bài trong tương quan lực lượng ở trong vùng và đủ sức để đe dọa những quyền lợi chí thiết của Mỹ. Trung Quốc chưa đủ sức để thành một bá chủ, một hegemon, cho nên Mỹ không cần tưởng tượng ra một chính sách để đối phó với một bá chủ, mà cần một chính sách để đối đầu với một kẻ đang có đủ sức để phá ổn định trong vùng. Nói rõ hơn, sức mạnh hiện tại của Trung Quốc là khả năng nâng cao cái giá mà Mỹ phải trả trong việc bảo vệ quyền lợi của Mỹ và trật tự như Mỹ muốn ở trong vùng [15].

      Ở trong vùng. Đó là điểm cần nhấn mạnh. Trung Quốc có thể phá trật tự thế giới của Mỹ - kể cả ở Trung Đông - bằng cách bán vũ khí nguyên tử, phóng uế nguyên tử trên bất cứ đất nào có tranh chấp. Nhưng đó có thể chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh. Cứu cánh, hãy nhìn vào chính sách quốc phòng của Bắc Kinh, chính sách này nói nhiều hơn các con số không chính xác. Lần đầu tiên, từ 1949, Trung Quốc không còn bị vây bọc bởi những lực lượng đối nghịch, hăm dọa. Liên Xô đã thành tro bụi. Nhật có một hiến pháp chủ hòa. Tất cả những nước khác, kể cả Ấn Độ vừa nổ trái bom, có ai dám nuôi mộng xâm lấn? Tất cả không muốn gì hơn là hòa bình với Trung Quốc. Trung Quốc an toàn từ đầu đến chân. Nếu có căng thẳng quân sự ở nơi này nơi nọ, chỉ là từ Trung Quốc mà ra. Thế thì tại sao ngân sách quốc phòng lại dành phần lớn những phương tiện tối tân cho vũ khí cổ điển, đặc biệt là cho những đơn vị can thiệp thần tốc, và đặc biệt là cho hải quân? Các chuyên gia quân sự, so sánh lực lượng hải và không quân giữa Trung Quốc và Đài Loan trong giả thuyết đổ bộ, cho rằng lực lượng Trung Quốc hãy còn nặng nề, chậm chạp, trang bị cổ hủ, chưa đủ sức để chế ngự vùng trời và vùng biển của hòn đảo dù cho Mỹ không can thiệp [16]. Dù cho như vậy, các nước trong vùng vẫn phải lo ngại vì ngân sách quốc phòng đó để lộ một quan niệm mới trong chính sách quốc phòng nhằm chuẩn bị trước cho những tranh chấp có giới hạn ở trong vùng và những phương tiện thần tốc để đối đầu với những tranh chấp đó, nhất là trong những vùng biển kế cận. Ngân sách quốc phòng để lộ một chính sách quốc phòng nhằm tấn công hơn phòng vệ, nhằm thực hiện một mô hình chiến thuật đã có sẵn trong đầu hơn là phản ứng lại tình hình diễn biến chung quanh.

      Cả khối sức mạnh đang lên đó đang dọc ngang nào biết trên đầu có cái trật tự gì. Trật tự gì, nó đang nói.

 

II. Trung Quốc là một cường quốc đang lên trong khi trật tự thế giới đang biến chuyển

      Đứng trên luận lý mà nói, một cường quốc đang lên tất có cơ phá vỡ trật tự thế giới đang có. Đã đành. Nhưng nếu chính trật tự đó chưa biết đang đi về đâu thì cách đối phó với cường quốc đang lên lại còn khó biết hơn nữa. Nó có thể đấm đá, nó có thể bắt tay, nó có thể căng thẳng, nó có thể hòa hoãn, chưa có gì ngã ngũ. Điều khiến cho vị thế của Trung Quốc quan trọng chính là ở chỗ đó: ở chỗ nó góp phần vào việc xây dựng trật tự đang xảy ra, và người ta cần nó chính vì khả năng phá đám của nó.

      Có hai trật tự mà Trung Quốc đang góp phần tạo hình dạng: trật tự thế giới và trật tự trong vùng. Trong cả hai, đương nhiên kẻ đối đầu với Trung Quốc là Mỹ.

      1 - Trật tự thế giới

      Thế giới hai cực của chiến tranh lạnh đã chấm dứt từ lúc thiên hạ rủ nhau đi lượm vài ba viên gạch của bức tường Bá Linh về làm đồ cổ. Ngay từ lúc đó, xuất hiện chữ unipolar: thế giới quy về một cực. Vấn đề của Mỹ là tìm cách để duy trì cái thời điểm nhất cực đó, "preserving the unipolar moment" [17]. Và tất nhiên vấn đề của Pháp là gáy lên tiếng gáy của Âu châu: cocorico, phải phá vỡ nhất cực, phải tạo dựng đa cực ! Ông nhất cực cần Trung Quốc; ông đa cực lại còn cần Trung Quốc hơn nữa: con đường nào cũng dẫn đến Bắc Kinh.

      Có gì mà Mỹ phải cần Trung Quốc trong trật tự thế giới hiện có ?

      Một, là kinh tế. Trung Quốc là nước mênh mông đầu người, bây giờ lại là nước phát triển nhanh nhất. Quy hoạch thương mãi, đầu tư trên toàn thế giới mà không có Trung Quốc tham gia vào, thì sao lại gọi là mondialisation, là globalisation, là village planétaire được ? Cùng với phát triển thương mãi quốc tế của Trung Quốc, khả năng sáng tạo kỹ nghệ, kỹ thuật của Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng: làm sao quy định việc chuyển nhượng kỹ thuật, chuyển nhượng vũ khí "nhạy cảm" nếu Trung Quốc lửng lơ đứng ngoài vòng ?

      Hai, những vấn đề "an ninh mới". An ninh môi trường: cùng với phát triển kỹ nghệ, Trung Quốc là nước phá môi trường thiên nhiên tàn khốc nhất. Mỹ kêu gọi bảo vệ sinh tồn của trái đất và của nhân loại, nhưng quan điểm của Mỹ lại không giống với quan điểm của đa số các nước trên thế giới. Đố ai đi đến kết luận gì có hiệu quả trong các hội nghị quốc tế nếu Mỹ và Trung Quốc tẩy chay. An ninh sức khỏe và xã hội: Trung Quốc là một trong những ổ chế tạo và luân chuyển ma túy, chế tạo và luân chuyển dân vượt biên. Thế giới giàu sợ nguy cơ này lắm.

      Ba, an ninh quốc tế trong Liên Hợp Quốc. Một cái gật đầu của Trung Quốc là vàng, một cái im lặng là bạc...

      Bốn, an ninh nguyên tử. Mỹ không sợ gì hơn là phóng nhiễm nguyên tử. Mà Trung Quốc thì có khả năng làm chuyện đó ở Bắc Hàn, Pakistan, Vùng Vịnh.

      Năm, ý thức hệ. Chưa biết ai làm gì được ai, nhưng ít nhất ông Clinton đã làm được chuyện mà chẳng ông tổng thống nào làm được: nói chuyện với sinh viên Bắc Kinh trực tiếp trên hệ thống truyền hình về nhân quyền, dân chủ. Mỹ cần Trung Quốc lắm chớ ! Có cái khí giới dân chủ trong tay, lại hợp lòng người, làm sao múa được nếu không có địch thủ ?

      Trừ cái lĩnh vực thứ năm, Trung Quốc thường được giới hòa hoãn Mỹ đánh giá như một tay chơi có trách nhiệm: đóng góp đàng hoàng trong Ngân Hàng Thế Giới, xỉa ra cú một 1,5 tỷ đô la cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế giữa cơn khủng hoảng Á châu, gia nhập hiệp ước cấm phóng nhiễm khí giới nguyên tử, làm thinh khi Mỹ mở chiến tranh vùng Vịnh, hợp tác với Liên Hợp Quốc để đưa đến giải pháp hòa bình ở Căm Bốt, giữ vững đồng yuan giữa cơn sóng gió tiền tệ ở Á châu... Tất nhiên, những đụng độ cũng không thiếu. Trên địa hạt kinh tế chẳng hạn, Mỹ đang còn làm khó dễ Bắc Kinh trong việc gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế, cửa Trung Quốc mở chưa đủ rộng cho sản phẩm của Mỹ, cán cân thương mãi chênh lệch về phía Trung Quốc... Tuy vậy, điều muốn nói ở đây là: Trung Quốc chưa đủ mạnh để đóng vai trò cường quốc hoàn vũ, nhưng Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng mình đang là và sẽ là một cường quốc có trách nhiệm và đáng kính trong trật tự thế giới đang thành hình.

      Chuẩn bị để thành cường quốc hoàn vũ: đó là mục đích xa. Mục đích gần gũi và thiết thân của Trung Quốc là trật tự trong vùng, trật tự châu Á.

      2 - Trật tự trong vùng

      Trên lý thuyết, chủ trương của Trung Quốc về trật tự, thế giới hay vùng, trước sau như một. Trật tự đó được xây trên ba nguyên tắc: chủ quyền, nghĩa là độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ; phát triển kinh tế ; thay đổi nguyên trạng thừa hưởng từ thời đế quốc. Lời đẹp, ý hay. Áp dụng ba nguyên tắc đó vào thời điểm hiện tại, trong trật tự vùng, lời vẫn đẹp nhưng ý đã khác. Chủ quyền, có nghĩa là chủ quyền trên Đài Loan, mà cũng có nghĩa là chủ quyền trên nhiều đảo mà Trung Quóc cho là của Trung Quốc, bất chấp sự phản kháng của các nước lân bang. Thay đổi nguyên trạng, do đó, có nghĩa là thay đổi cho hợp với cái bản đồ mà Trung Quốc vẽ ra, trong đó những đất đai mà Việt Nam, mà Nhật, mà các nước khác đã đặt tên thì bây giờ mang một tên Trung Quốc. Đó chỉ là những biểu hiện cụ thể nhất của một tham vọng mà ai cũng cảm thấy: tham vọng bá quyền trong vùng đất mà Trung Quốc vốn là bá vương trong lịch sử. 

      Tham vọng bá quyền đó không dung nạp được ba cản trở về chiến lược mà Trung Quốc phải gạt ra. Một, là ngăn cản Mỹ bảo tồn địa vị bá chủ hiện tại ở Đông Á. Hai, là ngăn cản Nhật trở thành một cường quốc quân sự và chính trị đối thủ. Ba, là ngăn cản các nước trong (hoặc ngoài) vùng - ASEAN, Nga, Ấn Độ - cấu kết với một địch thủ - Mỹ hoặc Nhật - trong một liên minh để bao vây Trung Quốc về chiến lược.

      Ba mục tiêu đó không phải dễ đạt. Chẳng hạn: nếu Mỹ làm nhẹ vai trò của mình ở Á châu thì các nước trong vùng phải lo xây hàng rào cao lên để hòng ngăn Trung Quốc, bằng liên minh hoặc bằng tăng gia vũ trang. Hoặc là: nếu Trung Quốc đe dọa thành bá chủ thì Nhật khó để yên mà Mỹ cũng khó khoanh tay. Trật tự trong vùng, vì vậy, sẽ tùy thuộc hai ý muốn chính: Mỹ và Trung Quốc. Tùy hai ý muốn đó, Nhật sẽ lấy thái độ. Các nước lân bang cũng sẽ phản ứng theo. Ai cũng thấy: chiến thuật trong vùng được xây trên một hệ thống đa cực mà chẳng ai dám quả quyết là sẽ đưa đến ổn định hay xung đột vũ trang. Có điều chắc chắn là: ổn định hay xung đột, Trung Quốc là kẻ nắm chìa khóa, và không phải chỉ vì vấn đề Đài Loan mà thôi. Trung Quốc là một sức mạnh được "cảm thấy", một đe dọa được "cảm thấy", một tham vọng được "cảm thấy". Bắc Kinh làm người ta cảm thấy rằng Trung Quốc là nước "lãnh đạo tự nhiên" ở trong vùng. Chính sự "cảm thấy" đó là đầu mối của cái vòng "an ninh lẩn quẩn" lôi cuốn nước này rồi nước nọ tăng gia vũ trang. Tôi cảm thấy anh đe dọa, cho nên tôi vũ trang ; tôi vũ trang thì anh lại cảm thấy anh bị đe dọa, anh vũ trang, và cứ thế mà lôi kéo nhau đến chiến tranh. Á châu đang ở trong tình trạng nguy hiểm đó: ngân sách quốc phòng nước nào cũng tăng. Đã có tiếng báo động: Đông Á chín muồi cho xung đột [18].

      Sự tình đã thế, đối phó làm sao ?

      Trước hết là Mỹ. Mỹ có hai chính sách mà giới chuyên môn bàn tán không ngớt từ mấy năm gần đây: hoặc là đắp đê ngăn nước (containment), hoặc là dẫn dụ (engagement). Đắp đê là chính sách của Mỹ từ hồi bắt đầu chiến tranh lạnh, và chính sách đó đã đem lại đại thắng cuối cùng. Đã đắp đê thành công chống Liên Xô, lẽ nào sẽ không thành công chống Trung Quốc ? Trong hồ hởi của đại thắng vừa qua, đây là chính sách đã cám dỗ giới cầm quyền Mỹ. Nhưng rất nhanh, chính sách này bị từ bỏ vì hai lẽ chính: một là không dễ gì đắp đê trước một con nước mênh mông như Trung Quốc trong một thế giới mới mà nước nào cũng cần nhau, nhất là Mỹ cần thị trường Trung Quốc ; hai là cái trò chơi cô lập hóa Trung Quốc, cám ơn, chẳng có nước Á châu nào dám chơi. Còn lại chính sách dẫn dụ bây giờ được nâng lên hàng quốc sách của Mỹ.

      Nhưng dẫn dụ cũng không phải dễ chơi, nhất là vì mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị của Mỹ. Về kinh tế, Mỹ cần thị trường Trung Quốc và chú trọng đặc biệt đến Á châu vốn được xem như khu trù phú đang lên. "Tây Âu không còn là vùng quan trọng nhất nữa. Tương lai của Mỹ càng ngày càng liên hệ với Á châu". Đó là lời tuyên bố long trọng của ông W. Christopher, cựu ngoại trưởng Mỹ năm 1993 [19]. Giao hảo với Trung Quốc là bức thiết. Nhưng chính vì sự giao thiệp kinh tế với Á châu cần thiết cho sự trù phú của Mỹ đến thế, cho nên sự ổn định của vùng đó lại trở thành nhu cầu chính trị và chiến lược của Mỹ. J. Nye, phụ tá bộ trưởng quốc phòng, vạch rõ: "Để duy trì nền an ninh và trù phú hiện nay cho đến 20 năm sắp tới, Mỹ phải dấn thân ở Á châu, bảo vệ hòa bình trong vùng đó, và quyết tâm củng cố liên minh và quan hệ thân hữu trong vùng" [20]. Nghĩa là ổn định. Mà muốn ổn định thì phải chận đứng không cho sức mạnh nào đang trồi lên có khả năng phá rối trật tự hiện hữu, không cho một hảo hán nào có điều kiện điều khiển một thứ luật chơi khác [21].

      Điều này không phải chỉ áp dụng đối với Trung Quốc, mà còn áp dụng đối với cả Nhật. Bởi vì "deep engagement" ở Á châu còn có nghĩa là thuyết phục với Nhật rằng Mỹ sẽ ngăn ngừa mọi đe dọa đến từ Nga hoặc Trung Quốc, Nhật chỉ cần góp sức nhiều hơn nữa vào cố gắng đó mà khỏi cần thay thế Mỹ làm hộ việc này bằng cách trở thành cường quốc quân sự hoặc nguyên tử. "Deep engagement", như vậy, còn có tính cách trấn an: trấn an các nước trong vùng và trấn an Nhật. Nhưng trấn an Nhật cũng là đè cổ Nhật, dùng Nhật để trị Tàu. "Deep engagement" như vậy ở Á châu phải chăng là một thứ ngăn đê"mềm", một soft containment ?

      Dù sao đi nữa, trên lý thuyết, chính sách dẫn dụ của Mỹ nhằm mục đích hội nhập Trung Quốc vào trật tự thế giới hiện hữu. Mình đi với nó là dẫn; mình đưa nó vào là dụ. Hội nhập cũng không phải là cái gì mới: Mỹ đã dùng chính sách này đối với Liên Xô trong thời hòa hoãn (détente). Hội nhập là khí giới của kẻ mạnh. Tôi mạnh hơn anh cho nên tôi mới hội nhập anh. Kissinger đã dùng củ cà rốt kinh tế để dụ Liên Xô hội nhập. Có một thời chữ "linkage" đã được dùng như một lá bùa. Và rốt cục là Liên Xô đã hội nhập. Nhưng tình hình ngày nay không giống tình hình thời 1975. Kinh tế Trung Quốc đang lên, không giống kinh tế Liên Xô đang xuống. Và ngay cả Mỹ cũng bị Trung Quốc đánh giá là một cường quốc đang suy thoái và đang bị cạnh tranh [22]. Cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ, Nhật và Âu châu cho phép Trung Quốc dùng anh hùng này trị anh hùng kia, như Điêu Thuyền dùng Đổng Trác trị Lã Bố và ngược lại. Mèo nào cắn mĩu nào ? Mỹ hội nhập Trung Quốc hay Trung Quốc lợi dụng chính sách hội nhập của Mỹ để tối tân hóa kinh tế, mục tiêu trước mắt của Bắc Kinh ? Trong các bài diễn văn, Bắc Kinh không ngớt tán dương tính chất bổ sung cho nhau giữa kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ. Nhưng ai là cá, ai là mồi, chưa biết.

      Hội nhập tất nhiên cũng là chính sách của Nhật. Khổng lồ về kinh tế mà lùn tịt về chính trị và quân sự, tất nhiên Nhật muốn dùng sở trường của mình để bình thường hóa một Trung Quốc hội nhập. Không phải là cường quốc thế giới đệ nhất như Mỹ, cũng chẳng phải là cường quốc bá quyền ở Á châu, Nhật có khuynh hướng xây dựng an ninh của mình và của vùng trên chiến lược cân bằng lực lượng. Hơn ai hết, Nhật thấy tình hình đa cực hiện tại ở trong vùng có nhiều nét giống như concert de l'Europe hồi thế kỷ trước. Concert de l'Europe xây dựng trên hai nguyên tắc: cân bằng lực lượng và hợp tác giữa các thành viên chính. Nếu thiếu nguyên tắc thứ hai, nếu chỉ là cân bằng lực lượng trần trụi mà thôi - chứ không phải điều chỉnh - thì cái vòng an ninh lẩn quẩn sẽ đưa đến leo thang chiến tranh. Nhật muốn xây dựng một cơ sở an ninh tương tự, dựa trên hai nguyên tắc vừa nói, với ba thành viên chính là Mỹ, Nhật và Trung Quốc [23].

      Thế nhưng Nhật là cái chân vạc long chong nhất trong ba chân. Bởi cớ sự là Nhật không nắm chủ động. Nhật mất cái thế chủ động vì hai lẽ: một là Nhật bị lệ thuộc vào liên minh với Mỹ và vào đường lối của Mỹ đối với Trung Quốc ; hai là Nhật phải gánh trên vai tất cả sức nặng của tội lỗi và hối hận do quá khứ quân phiệt và xâm lược đối với Trung Quốc và Á châu. Hai lý lẽ đó ảnh hưởng lên đường lối ngoại giao của Nhật cùng với một lý lẽ thứ ba quan trọng không kém: lợi ích thương mãi, kinh tế. Lợi ích này bắt buộc Nhật phải cạnh tranh với Mỹ. Nhiều quan sát viên nhận xét rằng Nhật càng ngày càng mở thế chủ động. Đúng hay không, còn xét ; nhưng dù sao đi nữa, vừa củng cố một liên minh sống chết với Mỹ, vừa tăng cường quan hệ giao hảo bức thiết với Trung Quốc, công việc đó khó không kém gì biến một tam giác góc cạnh thành một hình tròn nhẵn nhụi.

      Trong tình trạng đó, làm sao hội nhập Trung Quốc ? Hội nhập cái gì ? Chính trị ? Văn hóa ? Trong nhiệm kỳ đầu của ông Clinton, Nhật bực mình về chiến dịch đánh võ mồm trên nhân quyền của Mỹ. Không phải vì Nhật chống gì nhân quyền ! Vì thái độ của Mỹ mang tính trịch  thượng và Nhật là nạn nhân của thái độ đó trong quan hệ mậu dịch với Mỹ. Mỹ có lợi để hội nhập Trung Quốc vào trật tự chính trị thế giới ; Nhật cũng có cái lợi tương tự. Nhưng gây căng thẳng với Trung Quốc trên cái chuyện nhân quyền tuế toái thì Nhật không theo đuôi.

      Về chính trị, cựu thủ tướng Nhật Nakasone ví von như thế này: Liên Xô trước đây và Hoa Kỳ là những "dân tộc giả tạo" xây dựng trên khế ước, lớn mạnh nhờ dự phóng ý thức hệ, Liên Xô thì chủ nghĩa cộng sản, Hoa Kỳ thì lý tưởng tự do, khác với Nhật, khác với Âu châu, là những dân tộc đã bắt rễ từ lịch sử lâu đời, những "dân tộc tự nhiên". Với thế kỷ 21, những "dân tộc tự nhiên" - như Pháp, như Nhật - phải vận dụng cái gia tài văn hóa "hiền triết" của mình để làm một tổng hợp hài hòa và thông minh giữa khuynh hướng trùng phùng và hội nhập của xu thế hoàn cầu hóa và nhu cầu dị biệt, đa cực của những xã hội khác nhau. Việc Trung Quốc duy trì một "chính thể mác xít chuyên chế là đáng quan ngại" nhưng Mỹ cũng phải "thực sự ý thức được tính chất đa nguyên của thế giới và phải cư xử một cách nhún nhường". Phải biết rằng xu thế hoàn cầu hóa không làm mất chủ quyền quốc gia, chủ quyền đó được "xây dựng trên những cơ sở vô cùng vững chắc như văn hóa, lịch sử, truyền thống, tôn giáo, những yếu tố chưa có triệu chứng gì biến mất".

      Ông nói thêm, làm như những câu nói vừa rồi chưa đủ sáng tỏ: dân chủ phải được định nghĩa dưới ba dạng, dân chủ như là khái niệm triết lý, dân chủ như là ý thức hệ, dân chủ như là hệ thống. Như là một khái niệm triết lý, dân chủ có tính hoàn cầu, "chiếu sáng đời sống nhân loại như một ngôi sao". Như một hệ thống, trái lại, dân chủ mang nhiều hình thái khác nhau, tùy theo những đặc điểm của mỗi nước, do truyền thống, văn hóa, tổ chức xã hội hay vị trí chiến lược-chính trị mang lại [24]. Nói thế thì người kém thông minh đến đâu cũng hiểu. Vậy thì hội nhập cái gì ?

      Nhật đã không có tham vọng chính trị văn hóa của Mỹ, nói gì các nước láng giềng khác của Trung Quốc ! Hội nhập, đối với các nước này, chỉ có cái nghĩa là mời Trung Quốc tham dự vào các tổ chức hợp tác đa phương, kinh tế hoặc quân sự. Đây là một chính sách vùng, có tính chất "mở", nghĩa là mở ra cho các nước ngoài vùng, tất nhiên là các cường quốc. Trước sức mạnh Trung Quốc, các nước ASEAN chỉ có cách hợp quần, hợp quần nhưng không phải để chống: để mời anh vào chơi với chúng tôi. Một cây làm chẳng nên non, ba cây họp lại nên cái hòn APEC. Và hòn ARF. Hai hòn! APEC (Asia-Pacific economic cooperation) là một tổ chức kinh tế vùng với sự có mặt của Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Âu châu. ARF (Asean regional forum) là một tổ chức an ninh vùng thành lập do chính sáng kiến của các nước ASEAN với sự tham dự của các cường quốc vừa nói. Trong tinh thần lạc quan của lý thuyết đa phương chủ nghĩa, một khi anh đã ngồi vào bàn tròn hợp tác đa phương, anh sẽ thấy lợi ích quốc gia phải biết hòa đồng với lợi ích toàn thể, lệ thuộc nhau, qua lại với nhau, trao đổi với nhau, kinh tế đổi với an ninh, lợi lộc cộng thêm chứ không trừ bớt. Phòng họp và đối thoại đa phương tạo điều kiện giải tỏa nghi ngờ, củng cố tin tưởng, phát triển những thể thức hòa bình để giải quyết tranh chấp. ARF còn làm nảy nở khái niệm "cộng đồng số phận" giữa các nước Á châu liên hệ. Cuối cùng, cũng trong tinh thần lạc quan, đa phương chủ nghĩa góp phần hạn chế uy quyền của các cường quốc, làm loãng khả năng tung hoành đơn phương của họ ở trong vùng. Sức mạnh này hạn chế sức mạnh kia: ARF còn nhắm duy trì sự có mặt năng động của Mỹ ở Á châu, vừa để bảo đảm an ninh, vừa để tránh cho Nhật khỏi mài thêm nanh vuốt nguyên tử.

      Mở: chưa đủ. ARF còn hoạt động với tinh thần nhất trí, consensus. Dựa vào nhận định gì mà tin là có thể nhất trí ? Theo Singapore, trước hết là nhận định này: trật tự chính trị-chiến lược hiện tại phải được duy trì như thế. Bắc Kinh phải thấy rằng chưa bao giờ trong lịch sử, Tàu và Nhật đều hùng mạnh cùng một lúc, nghĩa là phải thấy rằng hai cọp khó ở chung một rừng. Vai trò của Mỹ là cần thiết, và vai trò của các nước nhỏ lân bang tạo gặp gỡ, đối thoại, hợp tác cho hai địch thủ đang gờm nhau cũng là cần thiết, ích lợi. Bắc Kinh phải hiểu rằng trật tự hiện tại là có lợi cho tất cả: cho Mỹ để duy trì thế cường quốc số một, cho Nhật để khỏi thay thế Mỹ, và cho chính Trung Quốc để yên tâm tối tân kinh tế trong vài chục năm nữa. Vì trật tự hiện tại là tối hảo, ba cường quốc phải hiểu biết nhau, thỏa thuận với nhau hơn nữa về những ràng buộc, giới hạn, và thực tế ở trong vùng, phải biết nhìn từ một thực tế vô cùng đa dạng để rút ra những yếu tố chung hòng phát triển một ý thức cộng đồng [25].

      Lạc quan hay không, ARF là chuyện phải làm. Và dù nguyên tắc nhất trí có thể chỉ đưa đến chuyện trà nước suông, khó mà có thể làm khác. Đưa Trung Quốc vào một mạng lưới hợp tác vùng để biến Bắc Kinh từ một cường quốc thay đổi nguyên trạng thành một cường quốc duy trì nguyên trạng, là nhốt voi vào rọ, nhưng nếu không làm thế thì làm gì ? Hãy lạc quan với Singapore ! Hãy tin ở luận thuyết rằng sự phát triển kinh tế vẻ vang trong vùng sẽ càng ngày càng thắt chặt các nước liên hệ trong những lợi ích chung khiến họ cùng nhắm về một phía: phía đó, trong tinh thần kinh tế thị trường, là cạnh tranh. Cạnh tranh với Mỹ, cạnh tranh với Nhật, cạnh tranh với Âu châu: còn quá thừa đất cho Trung Quốc cùng với lân bang cùng nhau dụng võ ! Tây phương cũng khỏi lo lắng cho tương lai dân chủ ở các nước chúng tôi. Muốn cạnh tranh thì phải có ổn định chính trị, nhưng ổn định chính trị với một chính thể hữu hiệu, a good governance. Mà muốn có good governance thì xã hội không thể "đóng", bởi vì trong cạnh tranh kinh tế, một xã hội "đóng" không thể cạnh tranh nổi.

      Lạc quan kinh tế, lạc quan chính trị, lạc quan văn hóa: tất cả dựa trên tin tưởng rằng thành công kinh tế ở Á châu sẽ bền vững, kéo dài. Cùng nhau thành công thì cùng nhau hòa bình. Chiến lược an ninh đặt trên thành công kinh tế. Nay kinh tế lủng củng, suy sụp, an ninh đặt trên cái gì?

 

III. Trung Quốc và trật tự

      Lạ thật ! Trong lúc mọi người đặt câu hỏi về khả năng phá đám của Trung Quốc, thì Bắc Kinh, giữa khủng hoảng bùng lên do hỗn loạn tiền tệ ở Á châu, lại đưa ra một bộ mặt kỷ luật, trật tự gương mẫu. Âu châu bái phục. Mỹ ca tụng. Ai còn dám bảo Trung Quốc không phải là cường quốc nguyên trạng ?

      Đối với người Mỹ lạc quan, Trung Quốc đã từng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ thiện chí hội nhập vào trật tự thế giới hiện tại. Trung Quốc ngần ngừ rồi cuối cùng, năm 1996, cũng ký hiệp ước cấm thí nghiệm khí giới nguyên tử. Trung Quốc chấp nhận rằng hiệp ước cấm phóng nhiễm nguyên tử trở thành vĩnh viễn. Trung Quốc có thái độ hợp tác trong tranh chấp giữa Mỹ với Bắc Hàn. Hồng Kông vào tay Trung Quốc một cách xuôi chèo mát mái. Trên lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc dành nhiều dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư ngoại quốc, hạ nấc thang phòng thủ giá cả xuống, tăng mức hối đoái của đồng yuan, trừng phạt việc chế tạo sản phẩm giả.

      Đối với người Mỹ không lạc quan, đề tài cũng không hiếm: về nhân quyền, về môi trường, về kiểm soát du lịch, kiểm duyệt ấn phẩm, ngăn chận truyền thông trên internet, chống "ô nhiễm văn hóa", triệt hạ văn hóa Tây Tạng... Hình ảnh Trung Quốc trong dư luận thế giới không đẹp.

      Tất nhiên là Trung Quốc cần hòa bình và một trật tự thế giới mà từ đó Trung Quốc có thể rút tỉa lợi ích để canh tân kinh tế. Trong chừng mực đó, Trung Quốc việc gì mà không hội nhập ! Còn hội nhập mà có biến chất hay không như Mỹ đánh cuộc, thì tương lai sẽ trả lời cho nị biết ngộ là ai. Chưa có hai tay chơi nào xuất sắc đến mức ấy ! Kỳ phùng địch thủ đến mức ấy ! Một bên gánh sứ mạng lịch sử trên vai, gieo hạt giống dân chủ trên khắp thế giới. Một bên, con trời, trung tâm vũ trụ, tỏa văn minh từ cái nhụy hoa. Bên nào tự hào cũng cao ngất mây xanh. Mà bên nào óc thực tiễn cũng bám sát đất. Chống nhau, thì chống. Mà có lợi, thì vẫn chơi ! Vừa đẩy ra, vừa hút vào. Vừa ôm, vừa cắn.

      Trong trật tự vùng cũng vậy. Mỹ muốn dùng APEC để bành trướng thương mãi của mình, chống lại cạnh tranh gay gắt của Nhật nơi vùng đang phát triển kinh tế nhanh nhất. Vào APEC, Mỹ còn có thể dùng lá bài Á châu để ngăn cản sự thành hình của một "pháo đài Âu châu" khác hất Mỹ ra bên ngoài. Dưới mắt Trung Quốc, khái niệm "tân cộng đồng Thái Bình Dương" (new Pacific community) mà ông Clinton quảng bá nằm trong chiến lược vùng của Mỹ nhằm nối kết NAFTA với APEC và bành trướng NAFTA qua Á châu [26]. Người Mỹ lạc quan bình luận: Trung Quốc biết thế mà Trung Quốc vẫn hội nhập vào APEC !

      Biết thế mà vẫn hội nhập vào ARF ! Đây là phương tiện để phòng ngừa nguy cơ đến từ Trung Quốc, và vì vậy mà Nhật hoan hỷ tham gia. Cơ hội quá tốt đối với Nhật vì sáng kiến đến từ chính các nước ASEAN. Lời lẽ của Nhật để nêu cao trinh bạch của mình chẳng lừa được Bắc Kinh: ARF nhắm vào cả ba đầu sỏ, cả Mỹ, cả Nhật, chứ không riêng gì Trung Quốc [27].

      Người nào không lạc quan chỉ cần nhìn mấy hòn đảo, bắt đầu là Đài Loan. Họ nhận xét: trong tất cả các cường quốc có ảnh hưởng lớn trong vùng, chẳng ai có vấn đề tranh chấp lãnh thổ, chỉ có độc anh Trung Quốc. Và họ nói: chỉ kẻ nào ngây thơ mới nghĩ rằng sức mạnh của Trung Quốc sẽ ngừng lại sau khi dứt điểm Đài Loan. Cũng như chỉ có phe chủ bại mới nghĩ rằng Hitler sẽ ngừng lại sau Munich. Cán cân lực lượng ở Viễn Đông, nhất là đối với Nhật, cũng như an ninh hàng hải đối với cả vùng, sẽ chịu ảnh hưởng trầm trọng nếu Đài Loan thay cờ, thay chủ tịch.

     Kết luận:

      Trong một bài viết ngắn, tôi chỉ có thể trình bày bối cảnh chung của vấn đề an ninh ở Á châu trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Bây giờ tôi xin nói thêm vài điều có liên quan đặc biệt đến Việt Nam.

      1- Về sách lược cân bằng lực lượng. Tôi trích ông Lý Quang Diệu: "Nếu tất cả lực lượng bên ngoài rút ra khỏi Á châu, kết quả là trong vòng 20 đến 50 năm trở lại, người ta sẽ chứng kiến một sự bắt tay giữa Trung Quốc với Nhật hoặc là một sự ưu thắng của nước này trên nước kia" [28]. Bởi vậy, Mỹ là cường quốc duy trì cán cân lực lượng, là balancer.

      Ai dám bác ông ta ? Tôi chỉ nêu thêm lo ngại này để bàn luận, đứng trên cương vị Việt Nam.

      Vấn đề lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ gần đây, như R. Tucker vừa nhắc nhở, là "sự mâu thuẫn giữa ý muốn vẫn giữ vị thế cường quốc thế giới siêu đẳng và tình trạng chán ghét càng ngày càng sâu đậm cứ phải gánh mãi gánh nặng của một vị thế như vậy trên vai" [29]. Dân chúng Mỹ càng ngày càng từ chối phải gánh phí tổn của một chính sách can thiệp trên hoàn cầu, nhất là lúc phải tốn sinh mạng trên những biên giới xa xăm, không phải để đối đầu với những đe dọa cụ thể, mà để duy trì cái "ổn định" trừu tượng. Khốn thay, đó là thách thức mà Mỹ khó tránh, vì vị thế siêu cường bắt buộc như vậy. Do đó, mỗi quyết định can thiệp là mỗi phân vân nhức óc, không hẳn vì sức mạnh của Mỹ có phần xuống dốc, mà vì mâu thuẫn đó buộc Mỹ phải tự kiềm chế. Điều tôi muốn nói là sự kiện đó, sự tự kiềm chế đó, có thể đưa đẩy Mỹ đến cái thế phải dàn xếp thỏa hiệp với các cường quốc vùng. Đài Loan sống trong phập phồng của viễn tượng dàn xếp đó, nhất là sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh vừa rồi của ông Clinton. Giá như có căng thẳng trên Trường Sa, Hoàng Sa, mà Trung Quốc quyết không tha, ai biết được "ổn định" là thế nào trong tính toán lúc đó của Mỹ ?

      Trong lịch sử chiến tranh lạnh, khi xảy ra khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba, cũng như khi Mỹ và Liên Xô bước vào giai đoạn hòa hoãn, có một nguyên tắc được hai siêu cường mặc nhiên thừa nhận trong quan hệ song phương: nguyên tắc "quyền lợi chính đáng" của mỗi nước, nhất là trong vùng mà mỗi nước chiếm bá quyền. Ý tưởng đó bây giờ vẫn còn đây. Tôi trích một ví dụ: "Dẫn dụ không phải chỉ là tạo cơ hội để Trung Quốc áp dụng những nguyên tắc. Sách lược đó còn có nghĩa là công nhận cho Trung Quốc  những quyền lợi và thương thuyết với Trung Quốc những giải pháp thích hợp với mục tiêu của cả Trung Quốc lẫn Mỹ" [30]. Từ Đài Loan đến Bắc Hàn, từ liên minh Trung Quốc-Pakistan đến sự thua thiệt của Mỹ trong cán cân thương mãi với Bắc Kinh, hãy thông cảm những hoàn cảnh đặc biệt của Trung Quốc mà dàn xếp thỏa hiệp, trên căn bản dung hòa quyền lợi.

      Tôi trích thêm một ví dụ khác, của một tác giả đã từng lãnh đạo chính sách an ninh của Mỹ, Z. Brzezinski, và xin trích nguyên văn: "In a volatile Eurasia, the immediate task is to ensure that no state or combination of states gains the ability to expel the United States or even diminish its decisive role. However, the promotion of a stable transcontinental balance should not be viewed as an end in itself, only as a means toward shaping genuine strategic partnerships in the key regions of Eurasia. A benign American hegemony must still discourage others from posing a challenge, not only by making its costs too high, but also by respecting the legitimate interests of Eurasia' s regional aspirants" [31].

      Khi hai con voi đánh nhau, cỏ bị chà đạp. Khi hai con voi làm tình với nhau, cỏ cũng bị dẫm nát. Không có lý do gì để không nghĩ rằng Mỹ là một balancer. Nhưng cũng không có lý do gì để yên chí rằng mình sẽ không là cỏ dưới chân voi.

      2 - Về vị thế "răng môi" của Việt Nam. Nhiều nước Á châu có vấn đề an ninh với Trung Quốc, nhưng Việt Nam ở trong thế hiểm nghèo nhất, đứng mũi chịu sào. Mà không phải chỉ thế. Cái hiểm nguy này mới đáng suy nghĩ nhất: tại sao, dưới con mắt bá vương của Bắc Kinh, cũng như dưới cái nhìn khách quan của Tây phương, Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc ? Tôi có thể trích bất cứ ai. Một Domenach nghiêm túc chẳng hạn: "Ce que Pékin continue à voir dans le Viet Nam, c'est d'abord un Etat destiné à retrouver sa condition de féal" [32]. Chữ "féal" có nghĩa là thề thốt trung thành, nhưng dịch đúng ý hơn thì là thần phục. Cái nhìn chính trị đó lấn áp tất cả mọi khía cạnh khác trong thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam. Trách người rồi phải xét mình: chúng ta đã làm gì để cho Trung Quốc cứ giữ cái nhìn lịch sử đó ? Có phải chúng ta đã tiếp tục gây lầm tưởng mình vẫn tự đồng hóa với văn minh Trung Quốc ?

      3 - Từ đó tôi liên tưởng đến vấn đề an ninh của Đài Loan. Đài Loan có một lực lượng quốc phòng đáng kể. Ngoại giao của Đài Loan rất năng nổ ở Mỹ. Cả hai khí cụ của chiến lược - quân sự và ngoại giao - đều sắc bén, xứng đáng với tầm cỡ đe dọa mà Đài Loan phải đối phó. Thế nhưng có một khí cụ thứ ba sắc bén hơn. Bắc Kinh nói: Đài Loan là Trung Quốc. Chưa biết Đài Loan có dám tuyên bố độc lập không, mặc dầu lực lượng muốn độc lập đang lớn mạnh. Có lẽ không dám, vì Mỹ sẽ từ chối hậu thuẫn.Thế nhưng Đài Loan đang làm cho thế giới thấy rằng Đài Loan không phải là Trung Quốc, Đài Loan khác Trung Quốc. Khác Trung Quốc: đó là cố gắng có tầm chiến lược của Đài Loan. Và cái khác đó nằm ở chiều sâu dân chủ: Đài Loan là một "nước" dân chủ. Kẻ nào hô hào dân chủ mà bóp chết Đài Loan thì kẻ đó bóp chết dân chủ. Mỹ có thể cống con dê Đài Loan cho Bắc Kinh, nhưng trước dư luận Mỹ và dư luận Tây phương, Mỹ đã phản bội lại lý tưởng phất phới trên lá cờ lãnh đạo của Mỹ. Nghĩa là Mỹ cống linh hồn của mình cho Bắc Kinh [33].

      Dân chủ là chiến lược của Đài Loan đối với Trung Quốc. Chiến lược đó nhắm đủ mọi phía, kể cả dư luận Mỹ mà Quốc hội là đại diện. Đừng khinh thường dư luận: Việt Nam đã giỏi hơn ai hết trong cách vận dụng dư luận Mỹ để quật ngã chính sách Mỹ. Hình ảnh Đài Loan trong đầu dư luận Tây phương hiện nay là một Đài Loan khác với Trung Quốc, và cái khác đó phải được bảo vệ.

      Như là một trí thức trói gà không chặt, tôi không biết cách gì để giữ độc lập đối với Trung Quốc, chỉ biết ngẩng cổ lên trời mà kêu: bom đạn là chiến lược, mà văn hóa cũng là chiến lược. 

 

 

Chú thích

 

[1]   Mohamed Jawhar bin Hassan: Southeast Asia and the Major Powers, The Pacific Review  N. 3, 1995.

[2]   như trên    

[3]   Mahbubani, Kishore, An Asia-Pacific Consensus, Foreign Affairs, N. 5, Sept 1997.

[4]   Chính sách nhượng bộ Hitler của Anh và Pháp khi Đức muốn thôn tính Tiệp.

[5]   Jean-Luc Domenach, L'Asie en danger, Fayard, 1998, trang 260.

[6]  Xem Domenach, trang 244.

[7]   Cùng tác giả, trang 280.

[8]   Yasuhiro Nakasone, Diễn văn đọc trước hội thảo "Asie-Europe: un nouveau partenariat face à la mondialisation", Institut francais des relations internationales, Paris, 19 et 20-2-1998.

[9]   Sách đã dẫn, trang 288.

[10] Arthur Waldron, Eight Steps Toward A New China Policy, Orbis, N. 1, Winter 1997.

[11] Zhao, Suisheng, Asia-Pacific Regional Multipolarity, World Affairs, N. 4, Spring 1997.

[12] Xem chi tiết số liệu ngân sách quốc phòng của các nước đó trong Zhao, tài liệu trích dẫn ở trên.

[13] Mohamed Jawhar bin Hassan, tài liệu đã dẫn.

[14] Avery Godstein, Great Expectations, International Security, N. 3, Winter 1997-98.

[15] Ross, Robert S., Beijing as a Conservative Power, Foreign Affairs, N. 2, Mar 1997.

[16] Xem Stanley Chan, The American Military Capability Gap, Orbis, Summer 1997.

[17] Michael Mastanduno, Preserving The Unipolar Moment, International Security, N. 4, Spring 1997.

[18] Aaron L. Friedberg, Ripe for Rivalry: Prospects for Peace in a Multipolar Asia, International Security, N. 18, Winter 1993-1994 ; Asia's Arms Race, The Economist, 20 February 1993.

[19] Asiaweek, 1-12-1993

[20] M. Mastanduno, tài liệu đã dẫn.

[21] Mâu thuẫn này giữa Mỹ và Trung Quốc được bàn quá nhiều, khỏi nói dài ở đây. Chỉ trích một câu làm tiêu biểu: "Driving by nationalist sentiment, a yearning to redeem the humiliations of the past, and the simple urge for international power, China is seeking to replace the United States as the dominant power in Asia". "China's goal of achieving paramount status in Asia conflicts with an established American objective: preventing any single country from gaining overwhelming power in Asia". Trích từ: Richard Bernstein and Ross H. Munro, The Coming Conflict: China and America, Current, N. 393, Jun. 1997, pp. 7-12.

[22] Wang Jisi, The Role of the United States as a Global and Pacific Power: A View from China, The Pacific Review, N. 1, 1997.

[23] Về phân tích giữa ba khuynh hướng, idealism-realism-liberalism, trong thái độ của Nhật đối với tổ chức an ninh trong vùng (đối với ARF sẽ nói ở dưới), bài sau đây đem lại nhiều chi tiết ích lợi: Tsuyochi Kawasaki, Between realism and idealism in Japanese security policy: the case of the ASEAN Regional Forum, The Pacific Review, N. 4, 1997.

[24] Trích trong bài diễn văn đã dẫn ở trên.

[25] Kishore Mahbubani, An Asia-Pacific Consensus đã dẫn.

[26] Wang Jisi, đã dẫn. NAFTA là North American Free Trade Agreement

[27] Kawasaki đã dẫn.

[28] Viện dẫn bởi Domenach, trang 200.

[29] Robert W. Tucker, The Future of a Contradiction, The National Interest, N. 43, Spring 1996.

[30] Robert S. Ross, Beijing as a Conservative Power, đã dẫn.

[31] Zbigniew Brzezinski, A Geostrategy for Eurasia, Foreign Affairs, N. 5, Sep 1997.

[32] Domenach, sách đã dẫn, trang 193

[33] Hãy đọc một phản ứng phẫn nộ như vậy trong Le Monde: Francis Deron, Taiwan sacrifié sur l'autel américain de la Realpolitik ? (11-7-1998).

 

Dịch những trích dẫn:

Chú thích [1]:      "Đầu thế kỷ sắp tới, Trung Quốc sẽ nổi lên như một nền kinh tế lớn nhất nếu khuynh hướng phát triển hiện tại trên thế giới cứ tiếp tục."

Chú thích [2]:      "Ngân Hàng quốc tế nghĩ rằng Trung Quốc có thể vượt quá Mỹ như là nền kinh tế lớn nhất, tính theo sức mua tương đương, trước năm 2020."

Chú thích [3]:      "Trong nửa đầu thế kỷ 21, kinh tế Trung Quốc sẽ hầu như chắc chăn phát triển lớn hơn kinh tế Mỹ. Khi điều đó xảy ra, cấu trúc quyền lực đang an bài sẽ phải tự sửa đổi, sắp xếp lại cho hợp với sự có mặt như vậy của Trung Quốc; Hoa Thịnh Đốn có thể sẽ chẳng còn là La Mã ngày nay."

Chú thích [10]: "Hiện nay, chính thể cộng sản của Trung Quốc đang đối phó với những khủng hoảng trong mọi lĩnh vực, từ chính sách kinh tế, môi trường sinh thái, đến căn bản chính đáng của quyền lực chính trị. Tình trạng sẽ không tiếp tục diễn ra như thế này mãi. Không ai có thể nói một cách nhất quyết khi nào thì điều này sẽ xảy ra, nhưng một thứ động đất chính trị là không thể tránh được ở Trung Quốc, và Hoa Thịnh Đốn phải ghi nhớ điều đó trong đầu"

Chú thích [14]: "dramatically". Phải dịch thế nào cho hợp ? Trầm trọng ? Khủng khiếp ? Hay là thế này: choáng ngợp.

Chú thích [31]: "Trong lục địa Âu-Á dễ biến chuyển, nhiệm vụ trước mắt là đảm bảo rằng không một quốc gia nào, không một tập hợp quốc gia nào, có khả năng đẩy Hoa Kỳ ra hay dù chỉ làm giảm bớt vai trò quyết định của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc tạo dựng một thế quân bình ổn định liên lục địa không nên được xem tự nó như một mục đích, mà chỉ là một phương tiện để làm thành hình những liên kết chiến lược thực sự trong những vùng then chốt ở lục địa Â-Á. Một Hoa Kỳ ở trong thế bá chủ hợp lòng người còn phải làm cho các nước khác thấy rằng họ không thể tạo ra một thách thức nào, không những bằng cách làm cho họ hiểu rằng thách thức như vậy thì phải trả giá đắt lắm, mà còn bằng cách tôn trọng những quyền lợi chính đáng của những nước muốn trở thành cường quốc vùng tại Âu-Á."

Chú thích [32]: "Điều mà Bắc Kinh tiếp tục nhìn nơi Việt Nam, trước hết là một quốc gia mà số phận là trở về lại tình trạng tuân phục ngày trước."